Nới ‘room’

1

Gần đây, tôi tham gia một buổi trao đổi đánh giá chuyên môn về ảnh hưởng của chính sách nới lỏng tiền tệ đối với giá nhà tại các thị trường lớn trên thế giới. Điểm chung nổi bật là giá nhà đã có chu kỳ tăng nhanh trong hai năm qua: Australia tăng 29%, Mỹ tăng 38% và khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 18%.

Theo các dữ liệu lịch sử, giá nhà tăng ở mức hai con số (10%-15%/năm) liên tục trong 2-3 năm thường đi kèm với mức độ rủi ro cao, báo hiệu thời kỳ trầm lắng phía trước, khi tăng thu nhập và các cân đối lớn của nền kinh tế không bắt kịp sự tăng giá nhà. Thực tế, giá nhà tại Australia, Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh những tháng gần đây.

Tại thị trường Việt Nam, giá nhà, đặc biệt là đất và biệt thự thời điểm hiện tại đã tăng 100%-300% trong hai năm qua ở các thành phố lớn; các căn hộ ở mức giá 2-3 tỷ đồng trở nên khan hiếm, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch. Những dữ liệu ban đầu này cho thấy giá bất động sản Việt Nam đang có các đặc điểm của bong bóng và đầu cơ.

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định phân bổ thêm room tín dụng hơn 4% trong 4 tháng còn lại của năm 2022, nằm trong tổng tăng tín dụng 14% của cả năm, nhằm hỗ trợ kịp thời hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, với đặc điểm là ngành có mức thâm dụng vốn lớn, vòng quay vốn dài và đang được xem là trong tình trạng rủi ro, nguồn tín dụng mới này theo tôi sẽ không chảy nhiều vào thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc có mức giá cao, vì hai lý do.

Thứ nhất, Chính phủ đã có Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Tinh thần của Chỉ thị này là tăng cường quản lý nhà nước để giảm thiểu các hoạt động có tính rủi ro cao như đầu cơ, đội giá, lệch cung cầu, “dự án ma”, hạn chế phân lô bán nền tại các khu vực thiếu cơ sở hạ tầng; trong khi khuyến khích hỗ trợ các dự án đang có nhu cầu lớn như nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp và nhà có mức giá phù hợp với nhu cầu. Chỉ thị này nhằm đảm bảo an sinh xã hội gắn với phát triển kinh tế, đồng thời giảm rủi ro cho thị trường bất động sản và nền kinh tế.

Thứ hai, do ảnh hưởng của đại dịch, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị chậm lại, dẫn đến một lượng vốn lớn đổ vào thị trường bất động sản, góp phần làm tăng giá đột biến. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đã tăng 14,07% so với cuối năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng của dòng vốn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Ngoài ra, một lượng lớn vốn nhàn rỗi trong dân cũng đã đổ vào thị trường bất động sản trong hai năm qua.

Bên cạnh việc kiểm soát rủi ro bằng Chỉ thị 13, trong ngắn hạn, các chính sách điều hành cũng cần linh hoạt xem xét cụ thể từng dự án bất động sản để tránh các vướng mắc có thể gây đứt gãy, khi ngành xây dựng và bất động sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, sử dụng lực lượng lao động lớn và có sự lan tỏa đến các ngành khác. Các dự án đã khởi động hoặc sắp được hoàn thành, trong phân khúc có nhu cầu và người mua có khả năng trả nợ, cần được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn, giúp tăng nguồn cung nhà ở ra thị trường.

Các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân và cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố được khuyến khích tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022 và Thông tư 03/2022.

Đối với các dự án giá cao đang gặp khó khăn về dòng tiền, chủ đầu tư có thể xem xét cân đối lại mức lợi nhuận kỳ vọng, giảm giá để đẩy hàng nhằm góp phần giải quyết khó khăn dòng tiền hiện tại. Các kênh huy động vốn từ trái phiếu, phát hành cổ phiếu và từ các quỹ đầu tư cũng cần được khơi thông lại với sự quản lý rủi ro chặt chẽ từ cơ quan chức năng.

Mặc dù không có thống kê chính thức, một tỷ lệ đáng kể các dự án phân lô bán nền và bất động sản có mức giá cao là sân chơi của các nhà đầu tư lướt sóng với nhau, trong khi người có nhu cầu sử dụng thật không nhiều. Khi thị trường chững lại và lợi nhuận kỳ vọng bị giảm sút, nhà đầu tư sẽ dừng xuống tiền, gây nên những vấn đề về thanh khoản như tình hình hiện tại. Ngay chính các chủ đầu tư cũng gặp khó trong phát triển các dự án mới do giá đất đã bị đẩy lên quá cao như mức giá hiện nay.

Một thị trường phát triển bền vững không thể dựa vào các hoạt động đầu cơ, do đó, các sản phẩm bất động sản cần được tính toán ở mức giá phù hợp với nhu cầu của thị trường trong từng giai đoạn, cũng như khả năng khai thác về mặt kinh tế. Các sản phẩm đầu cơ lướt sóng đều mang tính chất rủi ro cao, sớm hay muộn sẽ gây nên bất ổn cho nền kinh tế.

Để đưa được một dự án bất động sản ra thị trường, các chủ đầu tư phải dựa vào nguồn vốn lớn và đi qua nhiều bước thủ tục phức tạp có thể tốn nhiều năm. Trong tình hình giá đất tăng, tiếp cận vốn khó và nhu cầu nhà ở bức thiết hiện tại, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM, các chủ đầu tư rất cần được hỗ trợ tối đa để tham gia tạo nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu xã hội.

Sự hỗ trợ này bao gồm đánh giá và cải tiến quy trình cấp phép, giảm thời gian xét duyệt thủ tục, công bố quy hoạch rộng rãi công khai và ưu tiên phát triển hạ tầng, tạo không gian đô thị mới nhằm ổn định cung cầu vì sự phát triển bền vững của thị trường.

Theo Hoàng Văn Phương / Vnexpress