Cách học từ vựng dễ nhớ, lâu quên

81

Bạn đã từng nản lòng khi học từ vựng tiếng anh? Khi trước mắt là hàng trăm, hàng ngàn từ mới mà bản thân lại học trước quên sau dù có cố gắng như thế nào. Là người học tiếng anh nên mình rất hiểu và cũng từng ở trong hoàn cảnh đó, chỉ muốn dừng lại tất cả để chiếc “não cá vàng” được thư giãn, nghỉ ngơi. Tuy nhiên sự chăm chỉ đã được đền đáp và thật may mắn mình tiếp cận được một phương pháp học tiếng anh khá hiệu quả.

Chỉ sau hơn một năm mình đạt được 7.5 IELTS Reading, 7.0 IELTS Writing và 950 TOEIC. Điểm mình đuợc như vậy là do lượng từ vựng mà bản thân biết khá nhiều. Mặc dù điểm số đó cũng không phải quá cao nhưng mình muốn chia sẻ tới các bạn cách mình học từ mới, mong rằng ít nhiều có thể giúp được quá trình học của mọi người.

Đây là cách mà cá nhân mình thấy hiệu quả nhất. Có thể có bạn sẽ học được, có thể không vì nó còn phụ thuộc vào mỗi người. Mình cũng đi tìm hiểu, chắt lọc cách học của nhiều người khác trước khi tìm được cách học phù hợp cho bản thân.

Trước khi đi vào chi tiết về phương pháp học từ vựng, mình muốn các bạn có một cách suy nghĩ đúng đắn về việc dung nạp từ vựng. Vài người hỏi mình rằng: “Học 50 từ vựng một ngày thì học bằng niềm tin à?”. Đúng thế, trước khi bắt đầu học thì cần có niềm tin. Bộ não chúng mình có dung lượng tương đương 1 chương trình TV có thời lượng 300 năm, lí do khiến bạn không nhớ được từ là do học chưa đúng cách, chứ không phải do trí nhớ bạn kém.

Có một số mẹo như sau khi làm bài đọc ở các đề IELTS, TOEIC hay đọc báo

1. Học từ vựng qua ngữ cảnh

Đầu tiên là mình chỉ học từ qua ngữ cảnh. Mình thường chỉ học những từ mình không biết sau khi làm bài đọc IELTS, TOEIC hay đọc báo tiếng anh.

Một mẹo nhỏ là nên học những từ mà mình đã gặp nhiều lần nhưng vẫn không biết nghĩa, những từ nhớ mang máng thì cũng note lại để học. Diễn giả Zig Ziglar đã nói rằng “Repetition is the mother of all learning”. Cho nên càng đọc nhiều càng nhanh nhớ từ vì tần suất gặp lại từ đã học sẽ nhiều hơn. Gặp càng nhiều thì nhớ càng lâu, dần dần những từ đó sẽ được bộ não chuyển từ trí nhớ tạm thời sang trí nhớ vĩnh viễn của chúng mình

2. Đánh dấu từ mới

Khi làm bài đọc, mình thường gạch chân ở các ý chính để lúc trả lời câu hỏi có thể tìm được ý một cách dễ dàng. Nên để tránh trùng kí hiệu, khi gặp từ mới, mình sẽ dùng gạch chéo / để đánh dấu những từ chưa biết.

VD: /Conundrum/ is literally a /thorny/ question

3. Nạp từ vựng vào đầu

Sau khi đọc và chữa bài xong, mình sẽ tra nghĩa của từng từ và đọc lại cả câu đó, đồng thời note cái meaning của từ xuống bên cạnh. Sau khi tra nghĩa xong hết tất cả các từ, mình sẽ ghi tất cả những từ đó ra giấy A4, chỉ từ thôi không có phần meaning nhé. Và chỉ nhìn vào tờ giấy đó, bắt đầu cố nhớ và ghi nghĩa của từng từ, sau đó sẽ double check.

Mẹo cho phần này là khi học từ hãy tưởng tượng ra trong đầu cái ngữ cảnh của từ đó trong câu như nào, biến nó thành dạng video trong đầu mình hoặc gán cái từ đó với 1 từ nào đó đồng nghĩa hoặc đồng âm. Ví dụ như từ Conundrum mình nhớ bằng cách nghĩ đến từ drum (cái trống) và conun (phát âm na ná “khó nhằn”). Mỗi khi cần dùng tới từ “câu hỏi hóc búa” (conundrum), mình sẽ liên tưởng đến “khó nhằn” (conun) và “cái trống” (drum), từ đấy nhớ ra từ conundrum. Lâu dần thì không cần những cái liên kết trung gian đó nữa, bây giờ khi nghĩ đến nghĩa tiếng việt là câu hỏi hóc búa thì ngay lập tức nảy ra từ tiếng anh conundrum ngay. Bộ não mỗi người đều có cách liên tưởng khác nhau, nhưng nhìn chung phương pháp liên tưởng, gán cái này với cái kia rất hữu hiệu trong việc ghi nhớ.

4. Quá trình ôn tập

Sau khi double check lại tờ A4 đó và sửa lại những chỗ điền sai, mình sẽ bắt đầu viết vào sổ học từ. Sổ học từ thì nên sạch đẹp và gọn gàng, cũng như bộ não mình thôi, càng ngăn nắp thì lúc cần tìm cái gì sẽ rất dễ dàng. Sau khi học từ và check nghĩa qua giấy A4 thì mình sẽ ghi từ hoặc là nghĩa của từ vào trong sổ, và đợi 1 ngày sau sẽ mở vở ra điền vào chỗ trống còn lại. Đây gọi là phương pháp lặp lại, như mình đã nói thì “Repetition is the mother of all learning”.

Mẹo cho phần này là nên vẽ hình minh họa, tạo ra cái liên kết trung gian giữa nghĩa của từ và từ, đặt câu với từ và liệt kê ra những từ đồng nghĩa. Việc liệt kê từ đồng nghĩa sẽ củng cố cái liên kết của các từ này với nhau, về sau khi mình nghĩ tới 1 trong những từ đồng nghĩa đó, tức khắc trong đầu có những từ khác. Vì vậy sẽ không bao giờ bí từ hay sợ lặp từ trong bài viết.

Tóm tắt lại thì cách mình học từ có 4 bước:

  1. Phải có niềm tin vào bản thân
  2. Học qua ngữ cảnh bằng cách làm bài đọc và học những từ mình chưa biết. Đọc chăm thì sẽ nhớ từ nhanh hơn vì tần suất gặp lại từ cao hơn.
  3. Ghi những từ đã học vào giấy A4 và cố gắng điền nghĩa.
  4. Ghi từ HOẶC nghĩa vào sổ từ và đợi 1 ngày, sau đó điền phần còn lại vào.

Vậy là mình đã chia sẻ cách học từ vựng của bản thân. Bạn nào muốn tham khảo thêm cách học nghe tiếng anh của mình thì có thể đọc thêm:

Vì Sao Bạn Nghe Tiếng Anh Không Hiểu?

Hy vọng nó sẽ hữu ích cho những bạn vẫn đang loay tìm cách học tiếng anh hiệu quả. Chỉ cần các bạn có ý chí và chăm chỉ học mỗi ngày, mình tin các bạn sẽ sớm gặt hái được thành công.

Thân ái, chúc học tốt!

An Võ