1. Tổng quan dự án và hạng mục

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (HPDQ) thuộc khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, miền trung Việt Nam, được thiết kế với tổng diện tích 366.5ha bao gồm các khu phức hợp nhà máy sản xuất gang thép và khu cảng biển nước sâu.

Phòng bơm, bể lắng xoáy là 1 hạng mục thuộc nhà máy QSP – tổ hợp Đúc – Cán thép với sản lượng có thể đạt 3,5 triệu tấn/năm. Hạng mục nằm phía ngoài nhà tiếp giáp với các kết cấu móng nhà xưởng, kết nối với hệ thống mương xỉ đi qua khu máy đúc phôi, lò nung tunnel, cán tấm mỏng.

a, Phòng bơm (Pump house): hình dạng khối hộp chữ nhật với chiều dài 21.6m, chiều rộng 31.8m, chiều sâu hố móng -18.45m và tại vị trí hố thu là -21.350m. Kết cấu phòng bơm bao gồm kết cấu hỗn hợp gồm đáy móng dày 1500mm, dầm đỉnh, vách thành biên dày 1200mm và các dầm, vách ngăn phân chia phòng bơm.

b, Bể lắng xoáy (Vortex-type sedimentation tank): hình dạng trụ tròn với đường kính bên ngoài 24.0m, bên trong 22.0m, chiều sâu hố móng -26.0m, bao gồm kết cấu dầm đỉnh, kết cấu vách bao xung quanh dày 1000mm và đáy móng dày 2500mm [2].

Hinh 1: Phòng bơm, bể lắng xoáy và mương xỉ kết nối

2. Các công nghệ thi công hố đào, công trình ngầm áp dụng tại Việt Nam và dự án HPDQ

Tùy vào năng lực thiết bị thi công, chiều sâu kết cấu hố đào và đặc điểm địa chất nơi xây dựng công trình mà các công nghệ biện pháp thi công hố đào, hầm, công trình ngầm có thể áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới như: Công nghệ thi công top-down, semi top-down, bottom-up… kết hợp với hệ kết cấu tường vây barrette, tường vây cừ thép larsen, tường vây cọc khoan nhồi secant piles, cọc xi măng đất và hệ chống thép hình hoặc neo đất nhằm giữ ổn định thành vách hố đào.

Công nghệ thi công top-down: được áp dụng rộng rãi hiện nay trong việc thi công các tầng hầm chung cư từ 3-5 tầng hầm. Ưu điểm của phương pháp này là có thể thi công tại những mặt bằng vị trí chật hẹp, trong điều kiện địa chất phức tạp, mực nước ngầm cao và rút ngắn được tiến độ thời gian thi công. Tuy nhiên, do thi công trong phần ngầm sâu, không gian chật hẹp nên khó khăn trong việc di chuyển máy móc thiết bị, vận chuyển đất đá ở các tầng phía dưới, đồng thời phải bố trí các hệ thống chiếu sáng và thông gió.

Công nghệ thi công semi top-down: cũng tương tự như top-down nhưng sẽ bắt đào đất và thi công kết cấu ở tầng hầm thứ nhất thay vì thi công từ kết cấu sàn cao độ cote 0.00 (top-down). Phương pháp này được sử dụng đối với những vị trí có nền địa chất ổn định, mực nước ngầm thấp, việc thi công đào đất đến cao độ tầng hầm thứ nhất không làm ảnh hưởng đến hệ tường vây.

Công nghệ thi công bottom-up: được áp dụng phổ biến và lâu đời nhất tại Việt Nam. Việc thi công hố đào theo phương pháp này đòi hỏi phải có biện pháp chống, neo nhằm giữ ổn định tường vây khi đào xuống đáy đến độ sâu thiết kế. Bên cạnh đó, với những vị trí có địa chất ổn định, mặt bằng thi công rộng thì có thế tiến hành đào mở theo mái dốc taluy (phụ thuộc vào góc ma sát của đất).  Tại dự án HPDQ thì phương pháp này chiếm 80% trong việc thi công tầng hầm hố đào. Một số hạng mục tại dự án áp dụng như: Bể xối xỉ – lò cao (NMLG), hố kíp máng quặng – lò cao (NMLG), hào ngầm – NMLT, Laminar – Cán QSP…

Hình 2: Thi công hố đào Laminar – Cán QSP

Noi Nguyen / IBST