1. Các sự cố xảy ra trong giai đoạn thi công cọc, tường vây đại trà
Việc khảo sát địa chất trong giai đoạn thiết kế và trước khi thi công là bắt buộc đối với tất cả các công trình. Các hố khoan khảo sát được bố trí để kiểm tra đặc điểm địa chất tại khu vực thi công, kiểm tra tính chất cơ lý của đất và các tầng địa chất lớp đất, mực nước ngầm. Nhằm chuẩn bị cho công tác thiết kế và có số liệu tham khảo đối chiếu trong quá trình thi công phần hầm. Song song với việc khảo sát địa chất là các công tác đo đạc khảo sát trắc địa, địa hình, dẫn mốc tọa độ và cao độ. Đông thời lên phương án thiết kế biện pháp thi công, phương án kết cấu cọc tường cho phần hầm [3].
Khi các số liệu đầu vào đều đầy đủ chính xác, thiết kế đã được tính toán, nhà thầu thi công sẽ tiến hành thí nghiệm việc giữ thành hố khoan, thi công các cọc thử, thí nghiệm cọc bằng tải trọng tĩnh, kiểm tra độ toàn khối của bê tông cọc theo quy định của thiết kế nhằm chuẩn bị cho các công tác triển khai thi công đại trà, hạn chế được rất nhiều sự cố xảy ra. Dưới đây là những nguyên nhân hình thành và sự cố xảy ra trong giai đoạn thi công cọc, tường vây đại trà.
1.1. Quá trình định vị trí trắc đạc
Triển khai bản vẽ chi tiết tọa độ cọc, tường vây dựa theo thiết kế và thi công hệ lưới trắc đạc định vị các trục tọa độ và tọa độ cọc, tường vây thi công; Hệ thống mốc chuẩn và mốc định vị trục móng phải đáp ứng điều kiện độ chính xác về tọa độ và cao độ theo yêu cầu kỹ thuật của công trình. Đơn vị thi công có trách nhiệm nhận và bảo quản hệ thống mốc chuẩn trong suốt quá trình thi công cọc [4].
Sai sót thường xảy ra trong quá trình định vị vị trí cọc dẫn đến sai tọa độ cọc so với thiết kế bởi các nguyên nhân như:
– Sai số khi nghiệm thu tim trục;
– Điểm gửi theo 2 phương vuông góc bị xê dịch trong quá trình thi công máy móc thiết bị di chuyển, nền đất bị lún;
– Không bảo quản vị trí tim trục, điểm gửi;
Yêu cầu sai số vị trí tim cọc theo các hướng <2cm.
1.2. Quá trình hạ ống vách cọc, thi công tường dẫn
Sự cố thường xảy ra khi tường dẫn, ống casing bị nghiêng, lệch vị trí và bị sạt lún trong quá trình hạ và dưới tác động của máy móc thiết bị thi công.
Ngoài ra, đối với việc hạ casing cọc còn phụ thuộc vào đặc điểm địa chất và biện pháp thi công trong việc sử dụng ống casing với mục đích khác nhau. Trường hợp địa chất yếu, cát sỏi, xuất hiện hang castơ thì khi hạ ống casing xuyên suốt theo chiều sâu cọc đến cốt gặp đá sẽ đảm bảo được việc giữ thàng vách hố đào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ độ nghiêng của ống casing và có máy móc thiết bị chuyên dụng để hạ ống. Tuy nhiên sẽ gặp những khó khăn khi ống casing chạm đá và rút ống sau khi đổ bê tông.
Yêu cầu ống vách casing: Độ nghiêng <1%; Sai số vị trí <5cm.
1.3. Quá trình khoan, cạp đất
Trong quá trình khoan, cạp đất cần theo dõi sự ổn định của nền đất, kiểm tra đo đạc chiều sâu hố khoan đồng thời ghi chép địa chất vào trong hồ sơ nhật ký khoan cọc. Khi phát hiện các tầng địa chất, lớp đất bất thường cần báo cáo và có biện pháp xử lý thì sẽ hạn chế được nhiều sự cố xảy ra. Tuy nhiên, 1 số sự cố bất thường có thể xảy ra trong quá trình khoan cạp đất như sau:
1.3.1. Ống vách bị nghiêng, bị xoay và trồi lên hoặc tụt xuống
– Do lớp đất nền quanh vị trí ống vách casing yếu, ống vách chưa được hạ ngàm vào lớp đất ổn định, dẫn đến trong quá trình khoan ống vách bị xoay và trồi lên. Và trong trường hợp dưới lỗ khoan gặp đá có thể sẽ kéo tụt ống vách xuống sâu.
– Ống vách bị tụt do mối hàn nối giữa các đoạn không đảm bảo.
– Chưa kiểm soát độ thằng đứng của cần khoan.
– Yêu cầu độ nghiêng của cần khoan: Độ nghiêng sai số <1%, đồng thời sử dụng thiết bị chuyên dụng, kiểm tra theo dõi địa chất khi khoan.
1.3.2. Không rút được cần khoan lên
– Sự cố xảy thường xảy ra khi sạt thành hố đào, bùn đất lấp kín gàu khoan gây khó khăn trong việc khoan và rút cần khoan lên.
– Mũi khoan gặp phải đá cứng dẫn đến bị kẹt vào trong các hốc đá gây khó khăn trong việc rút gawuf khoan
– Yêu cầu: Kiểm soát chặt chẽ tốc độ của cần khoan, kiểm tra máy móc thiết bị trước khi khoan. Cần phải theo dõi địa chất trong khi khoan và có biện pháp sử dụng thiết bị khoan chuyên dụng.
1.3.3. Sạt thành hố khoan khi khoan
Việc sạt thành hố khoan là sự cố thường xuyên xảy ra trong quá trình thi công, bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như:
– Ảnh hưởng của các máy móc, thiết bị di chuyển phía trên gây rung động, sạt lún và làm ảnh hưởng đến lỗ khoan.
– Địa chất xung quanh hố khoan bị xáo trộn (thường do địa chất sạt lún hoặc khoan cạp đất nhiều lần) dẫn các lớp đất không còn nguyên trạng, mất sự liên kết ổn định.
– Tốc độ cần khoan nhanh, làm ảnh hưởng đến đất xung quang lỗ khoan gậy sạt lở thành hố khoan.
– Vị trí các lỗ khoan quá gần nhau, không đảm bảo được khoảng cách và thời gian khoan giữa các cọc liền kề.
– Không kiểm soát được tỉ trọng và cao độ dung dịch khoan (bentonite hoặc polymer), dẫn đến áp lực của dung dịch khoan tạo ra thấp hơn áp lực của đất và mực nước ngầm xung quanh lỗ khoan. Phải đảm bao cao độ dung dịch khoan cao hơn mực nước ngầm ít nhất 1,5m và có biện pháp xử lý nếu thấy hiện tượng thất thoát dung dịch trong hố khoan.
– Địa chất tại khu vực khoan có các tầng lớp cát sỏi dày hoặc xuất hiện hang castơ, mạch nước ngầm cao mà dung dịch khoan không đảm bảo được việc giữ thành hố khoan. Trong trường hợp thi công gặp địa chất như vậy thì có thể sử dụng 1 trong số giải pháp ở dưới.
1.3.4. Địa chất xuất hiện hang castơ
Ở Việt Nam, địa hình hang castơ chiếm gần 20% diện tích lãnh thổ đất liền và tập trung chủ yếu ở khu vực đồi núi đá miền bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang…
Có thể thấy địa chất khu vực xuất hiện hang castơ, nước ngầm lớn rất phức tạp. Gây nhiều khó khăn trong việc thiết kế, thi công và lựa chọn các giải pháp xử lý nền móng, kết hợp với phân tích khảo sát địa chất chặt chẽ nhằm hạn chế những sự cố xảy ra, giảm thiểu chi phí thi công.
– Sự cố có thể xảy ra trong quá trình thi công như sạt lở thành hố khoan, tụt ống vách hoặc ống vách bị nghiêng, trôi mất dung dịch khoan, mất hao hụt bê tông…
– Sự cố hang castơ có thể được xem là sự tổng hợp của tất cả các sự cố có thể xảy ra trong quá trình thi công cọc khoan nhồi đại trà. Do đó, bài viết mục này không đề cập sâu đến các sự cố xảy ra mà là sẽ đưa ra phân tích 1 số giải pháp khắc phục như:
a, Hang castơ có kích thước nhỏ, nước ngầm trong hang ít hoặc không có hiện tượng nước ngầm lưu thông.
– Sử dụng phương pháp chèn lấp hang bằng vữa xi măng đất grouting, hoặc vữa xi măng mác thấp.
– Nếu hang castơ không gây ra các sự cố như sạt thành, mất dung dịch khoan hoặc nghiêng cọc thì có thể tiến hành khoan bình thường và đổ bê tông cọc thừa hơn so với thiết kế để bịt kín toàn bộ hang.
b, Hang castơ có kích thước lớn đồng thời xuất hiện nước ngầm lưu thông mạnh.
– Sử dụng ống vách thép để giữ thành hố khoan khi tạo lỗ và đổ bê tông. Có thể kết hợp ống vách mở rộng (ống vách ngoài) và ống vách phụ (ống trong) để đảm bảo sự ổn định của hố đào, kết cấu cọc trong quá trình thi công và khi rút ống vách ngoài lên.
– Tuy nhiên, đối với những cọc có đường kính lớn (D1500 trở lên) hoặc địa chất gặp nhiều tầng đá, đá mồ côi thì việc thi công hạ ống vách gây ra rất nhiều khó khăn. Trong trường hợp này có thể sử dụng biện pháp lấp hang castơ bằng bê tông nghèo M150, sau đó tiến hành khoan thi công cọc.
1.4. Quá trình hạ lồng thép
– Lồng thép va vào thành hố đào: Do kích thước lồng thép to hơn kích thước hố đào, hoặc hố đào khoan bị nghiêng dẫn đến sạt thành hố đào và không hạ được lồng thép.
– Bị tụt, rơi lồng thép: Do các mối nối liên kết thép trong lồng thép không đảm bảo, gây ra hiện tượng tụt thép và rơi lồng. Lồng thép va quệt vào thành hố đào cũng gây ra tụt lồng khi xử lý cẩu lên và hạ xuống.
– Lồng thép bị xoắn: Trong quá trình cẩu và hạ, lồng thép dài bị xoắn tròn vào nhau.
1.5. Quá trình đổ bê tông
1.5.1. Chênh lệch khối lượng bê tông thực tế và lý thuyết
Trong quá trình đổ bê tông cần phải thường xuyên theo dõi dộ dâng của bê tông sau khi đổ xong mỗi xe, đồng thời ghi chép trong hồ sơ nhật ký cọc để vẽ biểu đồ đổ bê tông. Tuy nhiên, thực tế sẽ xảy ra những sự cố liên quan đến sự chênh lệch bê tông trong khi đổ như:
– Bê tông thực tế lớn hơn bê tông lý thuyết: Ở đây có sự tổn thất hao hụt bê tông thực tế, nguyên nhân xảy ra khi thành hố đào bị sạt lở hoặc khu vực hố đào xuất hiện hang castơ và nước ngầm lưu thông.
Nếu thấy khối lượng bê tông thực tế vượt quá 20% so với khối lượng bê tông lý thuyết theo kích thước lỗ khoan thì phải kiểm tra biện pháp giữ thành hố khoan và đưa ra phương án xử lý.
– Bê tông thực tế bé hơn bê tông lý thuyết: Thường xảy ra khi có sự chủ quan trong quá trình thi công, không đảm bảo được kích thước, chiều sâu hố đào theo thiết kế.
1.5.2. Bị tắc ống đổ bê tông
– Do chất lượng độ sụt bê tông không đảm bảo, bê tông quá khô, thời gian đổ và chờ giữa các xe bê tông kéo dài lâu.
– Tốc độ đổ bê tông quá nhanh, bê tông ngập đầy ống.
– Ống đổ ngập quá sâu vào phần bê tông đã đổ, phải duy trì đáy ống đổ bê tông phải luôn ngập trong bê tông không ít hơn 1,5m.
– Ống đổ không được vệ sinh.
1.5.3. Lồng thép bị trồi trong quá trình đổ bê tông
– Do quá trình rút ống vách, thành ống bị nghiêng, thép chủ của lồng thép bị cấn dính chặt vào ống vách dẫn đến lồng thép bị trồi lên theo ống vách.
– Do áp lực đẩy dâng của bê tông khi đổ lớn hơn trọng lượng lồng thép.
– Do ống đổ bê tông bị vướng va chạm vào lồng thép trong khi đổ, làm lồng thép không cố định được và bị dịch chuyển.
1.5.4. Lồng théo bị tụt trong quá trình đổ bê tông
– Bị sạt thành hố khoan trong khi đổ.
– Liên kết giữa các thanh thép và lồng thép không đảm bảo.
– Ống đổ bê tông va chạm vào lồng thép.
– Xuất hiện mạch nước ngầm, hang caster.
1.6. Quá trình rút ống vách casing
– Không rút được ống vách lên: Sự cố xảy ra khi hố đào bị sạt, ống vách bị nghiêng gây khó khăn khi rút ống vách.
Thời gian chờ rút ống vách quá lâu sau khi đổ bê tông, làm tăng ma sát giữa bê tông và ống vách.
– Ống vách bị nghiêng trong khi rút làm ảnh hưởng đến sự ổn định đầu cọc và tim cọc.
– Lồng thép bị trồi lên khi rút ống vách.
– Sạt lở thành đất xung quanh cọc.
Noi Nguyen