Mắt biếc – đôi mắt đẹp nhưng đượm buồn. Đôi mắt của sự ngây thơ, trong sáng nhưng lại xa xăm, ẩn chứa đâu đó những giọt lệ như sắp tuôn tràn. Đôi mắt của cả một cuộc đời đau khổ.
Sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng cổ lỗ, nghèo nàn nơi phần cong của dải đất hình chữ S, Ngạn lớn lên cùng Hà Lan, cô bạn hàng xóm có một cái tên rất lạ và một đôi mắt đẹp lạ thường – đôi mắt biếc. Họ cùng học, cùng vui chơi, cùng lớn lên. Trong họ dần dần chớm nở một tình yêu lặng thầm dành cho nhau mà không dám tỏ bày. Để rồi khi lớn lên, khi cả hai cùng rời bỏ làng quê của mình để lên thành phố tiếp tục giấc mơ, ở nơi phồn hoa đô thị ấy, họ đã rẽ theo hai ngả đời. Một người vẫn đợi đó nhưng một người đã đi theo phương khác, hướng về nhau nhưng lại mãi không thuộc về cho nhau.
“Tôi không thể bắt Hà Lan phải giống tôi.
Tôi khác. Không ai bắt tôi phải hoài vọng kỷ niệm. Không ai bắt tôi phải nhớ da diết cái làng nhỏ xa xăm của mình mỗi khi chiều xuống. Không ai bắt tôi đêm nào cũng phải mơ thấy bóng trăng tuổi thơ treo lơ lửng trên đường làng và rơi từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý. Những điều đó xảy đến một cách tự nhiên, cũng giống như hồi học lớp chín, một hôm nhìn vào mắt Hà Lan, lần đầu tiên tôi cảm thấy lòng mình dậy sóng. Mà chẳng hiểu vì sao.”
Qua những đồi sim, cây thị, những giàn thiên lý, đắm mình trong dòng chảy của thời gian và tâm trạng của chính Ngạn, xuyên suốt tập truyện dài Mắt biếc là cả một nỗi buồn man mác kéo dài, một nỗi tiếc nhớ, một nỗi lòng đau đáu của chính Ngạn về những kỷ niệm một thời học trò thơ mộng nơi làng Đo Đo nhỏ nghèo nàn, nơi những kỷ niệm đẹp nay chỉ còn lại những hoài niệm xa xăm của một thời đã qua.
Cảnh vẫn còn đó nhưng mắt biếc của năm xưa nay đâu…
Tác giả
Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam. Ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ, tuồi mới lớn với hơn 100 tác phẩm các thể loại.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,… Năm 13 tuổi, ông đã có thơ đăng báo. Năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã định vị tên tuổi của ông trong lòng độc giả và kể từ đó, ông tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với các tác phẩm làm say lòng độc giả bao thế hệ như Mắt biếc, Cỏn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối,… Truyện của ông được tái bản liên tục và chưa bao giờ giảm sức hút với những người yêu mến chất văn Nguyễn Nhật Ánh.
Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: năm 1990, truyện dài “Chú bé rắc rối” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP HCM và Báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội Nhà văn TP HCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN.
Nhận xét từ độc giả
- “Mình đến với Mắt Biếc khi vô tình xem được trailer của bộ phim cũng tên. Thực sự phải nói là fall in love từ cái nhìn đầu tiên. Sau đó quyết định cùng một người bạn mua quyển sách này. Thật may!Tiki giao hàng rất nhanh (trong một ngày sách đã về tới), cầm sách trên tay mà cứ vui sướng không thôi. Sách mới và đẹp vô cùng. Sách của Bác Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ làm mình thất vọng cả❤❤❤” – Hưởng Đặng
- “Khẽ chạm tâm hồn vào “Mắt Biếc” trong một ngày nắng nhạt, để những áng mây nhè nhẹ giăng trên nền trời xanh thăm thẳm, tâm trí tôi trở lại làng Đo Đo ngày nào cùng cánh rừng hoa sim phiêu lãng. Nơi ước hẹn, nơi tồn tại ngọn lửa tình yêu cháy bỏng trong con tim của Ngạn dành cho Hà Lan- Mắt Biếc.
“Có những buổi chiều ta nhìn em kinh ngạc
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly
Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ!
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước”
Tình yêu ấy xuyên qua những ký ức tuổi thơ, trải dài đến từng dấu chân bụi bặm của hai người họ khi trưởng thành.
Tình yêu ấy nhuốm màu nhớ mong, khắc khoải từng đêm hè trông ngóng…
Cảm xúc của Ngạn dành cho Mắt Biếc đẹp đến ngỡ ngàng. Có ai yêu đến ngu ngốc và điên dại như cái tình yêu chân thành anh dành cho cô gái ấy. Từng dòng chữ cuốn theo từng cảm xúc lẫn lộn ngự trị trong tâm hồn Ngạn. Những hi vọng đôi khi bị vùi dập bởi từng cảm xúc đớn đau, đan xen lấy nỗi thất vọng tràn trề rồi một lần nữa lại vực dậy…
Ngạn nghĩ gì mà lại đợi chờ mỏi mòn đến như thế? Đó là câu hỏi cứ lởn vởn trong tâm trí tôi khi khép lại tác phẩm. Ngạn đứng lại phía sau, mặc kệ cho cô gái mình yêu chạy theo những phù phiếm, xa hoa. Ngạn lùi về góc khuất, mặc kệ tình yêu cứ đeo đuổi dấu chân cô gái ngày nào, nhưng thân thể thì chẳng một lần dám bước.
Vốn dĩ tình yêu ấy là sai lầm hay do người tạo ra đã biến nó trở nên sai lầm, biến nó trở nên méo mó đến đáng thương? Ngạn mạnh mẽ, nhưng trong những lúc cần sự mạnh mẽ thì anh lại yếu đuối. Ngạn sống trong những ký ức xa xưa, chưa một lần dám rũ bỏ quá khứ và bước vào thế giới tàn nhẫn của hiện thực.
Lướt trên từng con chữ như những cánh hoa đã tàn của một câu chuyện tình đẹp đẽ, tôi được cười, được buồn, và một lần nữa được nhớ lại những ký ức tưởng chừng đã mờ dần qua năm tháng.
Giọng văn giàu chất thơ, và đôi lúc đong đầy cảm xúc đến nghẹn ngào. Nếu dùng lời để miêu tả từng cảm xúc của tôi khi đọc tác phẩm, thì chẳng có từ ngữ nào biểu đạt được rõ nhất… Đó là cảm xúc gì? Tự tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ lên Ngạn và Hà Lan, vẽ lên Trà Long và tô màu cho một câu chuyện đau thương ám ảnh.” – Huyền Minh