Đạo Phật rất quan tâm đến vần đề hiếu đạo, lấy hiếu làm căn bản. Trong các kinh điển, Đức Phật luôn đề cập đến công ơn cha mẹ, bổn phận làm con phải đền ơn đáp nghĩa một cách thống thiết.
Trong Kinh A Hàm Đức Phật dạy: “Nuôi dưỡng cha mẹ đừng cho thiếu thốn, làm việc gì cũng trình cho cha mẹ biết trước, cha mẹ làm gì con phải thuận theo không trái ý, không dứt nghiệp chánh của cha mẹ.”
Kinh Tứ Thập Nhị Chương: “Phàm người phụng thờ quỉ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ. Cha mẹ là vị thần tối thượng.”
Trong kinh Phạm Võng, khi Đức Phật mới thành đạo, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới” Ngài dạy: “Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam Bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn.”
Hiếu thuận với cha mẹ thời phải dứt những điều ác ở thế gian và làm tăng trưởng những điều lành. Hiếu thuận với Sư Tăng, Tam Bảo thời phải dứt điều ác thế gian và xuất thế gian, làm sanh trưởng điều lành về thế gian và xuất thế gian cho đến viên mãn thành tựu. Một người sống có hiếu thì đó là giữ giới. Vì thế Đức Phật đã xếp Hiếu ngang hàng với Giới.
Nghiên cứu lời Phật dạy về báo hiếu cho ta thấy rằng: Bước đầu Ngài dạy cách báo hiếu theo thế gian, là phải chăm sóc, nuôi dưỡng, phụng thờ hiếu kính cha mẹ. Từ cách báo hiếu theo thế gian, rồi Ngài đề cập đến đạo lý nhân quả, tu tâm dưỡng tánh, giữ gìn giới luật, bỏ ác, làm lành, dẫn đến xuất thế gian thành Phật đạo mới trọn vẹn tâm hiếu.
Có thể nói, khi người ta diễn tả, hay phơi bày về Hiếu thì không có bút mực nào lột tả hết được. Bởi chữ Hiếu mang ý nghĩa rộng rãi, bao trùm tất cả cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ, nhân cách, đạo đức xuất phát từ con người. Trả hiếu có hai cách như sau:
1. Ý nghĩa báo hiếu theo thế gian:
Khi nói đến việc báo hiếu theo thế gian, thì chúng ta không thể không nhắc đến công ơn sanh thành dưỡng dục, gian nan, vất vả của người.
Trong kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ, Đức Phật diễn tả nỗi khổ tâm của người mẹ, từ khi mang thai cho đến khi sanh nở, là một ấn tượng sâu sắc khó quên trong mỗi chúng ta.
“Tháng đầu thai đậu tợ sương
Mai chiều gìn giữ sợ tan bất thường.”
Rồi đến lúc thai bào đủ tháng, sanh con ra được vuông tròn, thì nỗi lo âu khác lại chất chồng lên tâm hồn người mẹ. Nào sợ con bệnh, sợ con khóc, sợ con chậm lớn .v.v…
“Con đau ốm tức thì lo chạy
Dầu tốn hao cách mấy cũng đành
Khi con căn bệnh đặng lành
Thì cha mẹ mới an thần định tâm.”
Bấy nhiêu đó sao hết được công ơn cha mẹ, chúng ta có thể quên, có thể từ bỏ nhiều thứ trong đời, nhưng không được quyền quên ân tình của cha mẹ, không được quyền từ bỏ hạnh phúc được làm con. Cho dù ta có khôn lớn trưởng thành như thế nào trong cuộc đời, đứng trước tình thương bao la rộng lớn ấy, vẫn luôn nhỏ bé, dại khờ.
“Biển rộng lòng mẹ bao la
Đưa con từng bước đi qua đường đời
Công danh con được rạng ngời
Ơn dày cha mẹ biển trời cho con”.
Vì thế, phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, chăm sóc cho cha mẹ chu đáo, từng miếng ăn, thức uống,… lại phải lo tu tập, làm việc thật tốt và luôn phấn đấu nỗ lực trên đường đời để làm rạng danh cha mẹ.
Ở Trung Hoa, có vua Văn Đế là một tấm gương chí hiếu. Chuyện kể, khi Thái Hậu bị bệnh suốt ba năm liền, ngoài những buổi lâm triều, vua vẫn mặc long bào uy nghi đi vào tận bên giường mẹ đứng hầu, quên cả ăn ngủ, đêm ngày túc trực canh chừng, chờ đợi lời sai bảo của mẹ.
Mỗi khi ngự y dâng thuốc trị bệnh, vua đỡ lấy nếm thử trước, xem mùi vị thế nào để chia sẻ nổi đắng cay cùng mẹ. Mẹ ngài thấy vậy thương xót khuyên rằng: “Trong cung thiếu gì người, con gọi cung nữ đến chăm sóc cho mẹ cũng được, con không nên vất vả vì mẹ như vầy.” Nghe mẹ nói vậy vua quỳ xuống thưa: “Mẹ bệnh mà con không tự mình chăm sóc cho mẹ được chẳng may mẹ mất thì con đâu còn kịp để đền đáp công ơn của mẹ.” Các quan trong triều ai cũng biết vua Văn Đế là bậc hiếu tử, nên mọi người ai cũng kính nể và học theo gương Ngài. Nhờ vậy, vua lãnh đạo đất nước được thái bình thịnh trị.
Qua đó chúng ta thấy rằng: Việc hiếu thảo là nghĩa cử cao quí xuất phát từ đáy lòng, chứ không phải việc làm miễn cưỡng. Như trường hợp vua Văn Đế, ngài thấu hiểu rằng, nếu muốn báo ân cha mẹ thì phải tự tay mình chăm sóc, còn mướn người khác phục vụ thì đâu còn tình nghĩa gì. Đó là mẫu người đáng kính, đáng cho chúng ta noi theo.
Không những hiếu thảo lúc cha mẹ già yếu bệnh tật, mà trong cuộc sống hằng ngày, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi hành động đều thể hiện tinh thần hiếu đạo. Một người con nếu sống bê tha, ham chơi bời theo bạn xấu, để thiên hạ nguyền rủa đó chính là bất hiếu, anh em trong gia đình sống không hòa thuận đó cũng là bất hiếu. Nói chung, những việc làm nào dù lớn hay nhỏ mà đưa đến nỗi lo âu, phiền muộn cho cha mẹ đều là bất hiếu.
Cho nên, khi thực hành hạnh hiếu người Phật tử phải thực hiện bốn điều sau đây:
- Hiếu dưỡng: Là cung cấp thuốc men, chỗ ở, vật ăn, thức uống, không để cho cha mẹ phải đói khát thiếu thốn. Chăm sóc cha mẹ khi già yếu, đau bịnh.
- Hiếu hạnh: Là phải sống có đức hạnh, đối với cha mẹ phải giữ thái độ, hành vi, ứng xử, cung kính, lễ phép, nhẹ nhàng, lựa ý, lựa lời làm vui lòng cha mẹ. Không có thái độ bất kính.
- Hiếu tâm: Là sự quan tâm, nghĩ ngợi hết lòng lo cho cha mẹ, chân thật, kính trọng đối với cha mẹ biểu hiện sự hiếu kính từ đáy lòng.
- Hiếu đạo: Là đối với cha mẹ không có niềm tin Tam Bảo, khuyến khích cha mẹ qui y Tam Bảo, ăn chay, niệm Phật, làm lành, lánh dữ. Đối với mình phải tu tập tinh tấn, đàng hoàng, để hướng dẫn cha mẹ cùng tu tập, gây tạo phước lành.
Đó là những điều căn bản mà một người con hiếu phải thực hiện cho được đầy đủ, nếu thiếu một trong những điều ấy thì sự báo hiếu chưa được tròn đầy.
Người Phật tử hiếu dưỡng cha mẹ không phải chỉ lo về phần vật chất, mà quan trọng hơn nữa là về phần tinh thần, tâm linh của cha mẹ. Vậy nên, báo hiếu theo thế gian, là phải đầy đủ hai mặt vật chất và tinh thần. Về mặt vật chất là phải phụng dưỡng cha mẹ, mặt tinh thần phải giữ gìn đạo đức, ăn ở nhân từ, nỗ lực tu tập, để hướng dẫn cha mẹ tu theo mới xứng đáng là hiếu tử chân chính theo thế gian pháp.
Đại sư Ấn Quang dạy: “Cần phải làm tròn bổn phận làm người, rồi mới có thể nói đến việc học Phật. Nếu đối với việc hiếu đạo, trung tín, lễ nghĩa, liêm sĩ không làm được một việc gì, thì dù suốt ngày thờ Phật cũng vô ích, uổng công. Phật giáo bao quát thế gian và cả xuất thế gian, nên đối với người làm cha làm mẹ, thì nói đến lòng từ ái, đối với người làm con, làm cháu, thì nói đến việc hiếu thảo, dạy mọi người phải làm tròn bổn phận của mình, rồi sau mới có thể tu pháp xuất thế gian.” (Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục )
Ngoài việc báo hiếu theo phương diện thế gian, còn một phương pháp báo hiếu cao cả nhất mà không có sự báo hiếu nào ở thế gian sánh bằng. Đó là báo hiếu xuất thế gian.
2. Ý nghĩa báo hiếu xuất thế gian
Ở đời người ta thường quan niệm người xuất gia là bất hiếu, vì không sống gần gũi cha mẹ để săn sóc cho cha mẹ, lại không có vật chất để giúp đỡ cha mẹ, cũng không nối dõi tông đường, nên đi tu là bất hiếu.
Như quan niệm của Nho giáo cho rằng: Phật giáo là không chủ trương hiếu hạnh, đa phần là bất hiếu. Họ nói rằng: “Người đi tu là không nối dõi tông đường đó là bất hiếu thứ nhất. Thứ hai là thân thể hình hài cha mẹ sinh ra, không được làm tổn hại. Vậy mà tu sĩ Phật giáo đi tu cạo sạch tóc, làm tổn thương hình hài cha mẹ sinh ra là bất hiếu.”
Quan niệm của Mâu Tử trong “Lý Hoặc Luận” đã luận giải những điều đó cho chúng ta thấy: “Nếu làm được đức lớn để cứu giúp cha mẹ thì không nên câu nệ việc nhỏ”. Điều này đã nói lên con đường xuất thế của Đạo Phật. Mục đích hiếu hạnh của Phật giáo không phải là lý thuyết, hay hình thức bên ngoài, mà đề cao hành động và thái độ sống, để kết nối sự yêu thương và hướng con người đi đến sự bình an nội tại, đạt đến hạnh phúc chân thật trong cuộc sống. Thế thì việc xuất gia, cạo bỏ râu tóc, sống đời sống không nhà của tu sĩ Phật giáo, không chỉ hoàn thiện bản thân mà còn có khả năng báo hiếu cho cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ sống đúng chánh pháp, đưa đến an lạc, hạnh phúc.
Trong kinh Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai hạng người không trả ơn được, đó là cha và mẹ. Nếu một bên vai trái cõng mẹ, vai phải cõng cha, làm vậy suốt cả trăm năm cho đến 100 tuổi, như vậy này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả đủ cho mẹ và cha, nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và cho dù ở đấy cha mẹ có đại tiện, tiểu tiện, dù vậy này các Tỳ kheo, cũng vẫn chưa làm đủ, hay trả đủ cho cha và mẹ…”
Vậy báo hiếu theo Đức Phật là thế nào đây? Ngài dạy: “Này các Tỳ kheo, những ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích an trú vào chánh giới, đối với cha mẹ có tâm tham thì khuyến khích an trú vào bố thí, đối với cha mẹ theo ác tuệ thì khuyến khích an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, là làm đủ và đáp đền ơn đủ cho mẹ và cha.” (Tăng Chi Bộ I)
Như gương Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Xá Lợi Phất là những người con chí hiếu, theo tinh thần xuất thế.
Trong sử kể về Ngài Xá Lợi Phất rằng: Từ khi xuất gia trở thành đệ tử của Phật, Ngài tinh tấn nỗ lực tu tập và trở thành bậc tướng quân chánh pháp, là người có trí tuệ siêu việt nhất trong hàng Tăng chúng. Càng đạt đến quả vị cao, Ngài càng nghĩ đến mẹ hiền, ngày đêm thao thức để tìm cách đưa mẹ trở về với chánh pháp. Khi biết rằng mẹ mình là người không có lòng tin Tam Bảo, mà tâm lại tà kiến, sai lệch.
Vả lại Ngài tự nghĩ: “Mình đã bao phen dẫn dắt cả nhân loại lẫn chư thiên vào Tam bảo chứng quả Thánh, chẳng lẽ mình không tẩy trừ được tư kiến sai lầm của chính mẹ mình hay sao?”. Nên Ngài quyết định xin Đức Thế Tôn trở về để dẫn dắt mẹ, báo hiếu cho mẹ trước khi nhập Niết Bàn. Nhờ lòng hiếu thảo cao quí đó mà Ngài đã đưa mẹ Ngài vào chánh đạo. Khi bà phát khởi niềm tin đối với Tam Bảo tuyệt đối, thì liền đắc quả Dự Lưu (Tu Đà Hoàn). Đến đây, Ngài mãn nguyện mỉm cười thật nhẹ rồi thanh thản nhập Niết Bàn.
Chính lòng hiếu thảo của Ngài Xá Lợi Phất đã góp phần rất lớn trong việc thành tựu phẩm chất, đạo đức và trí tuệ của một bậc Thánh ở nơi Ngài. Lòng hiếu thảo rất quan trọng đối với mỗi người. Tâm hiếu là tâm tu căn bản, là cái nhân chủ đạo, để từ đó nảy nở thiện tâm và giải thoát thiện tâm.
Đức Phật cũng là tấm gương sáng ngời và tiêu biểu cho tinh thần hiếu đạo ấy. Ngài đã từng đi bộ vượt qua ngàn dặm đường nguy hiểm để trở về thăm Phụ hoàng khi vua Tịnh Phạn bị bịnh nặng, và thuyết pháp khiến cho vua cha dứt sạch đau khổ buồn rầu. Khi vua băng hà, Ngài tự mình khiêng một góc quan tài của Phụ vương đến nơi hỏa táng. Đức Thế Tôn đã lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho Mẫu hậu. Với kế mẫu Ngài luôn tỏ lòng từ hiếu.
Bên cạnh thể hiện chữ hiếu theo thường pháp, lòng từ hiếu của Phật còn nhằm hướng thân Phụ và thân Mẫu hiểu và hành chánh pháp, độ cả hai chứng đắc Thánh quả. Người xưa nói: “Nhất nhơn thành đạo, cửu huyền thăng”. Một người tu hành thành tựu đạo quả, không những cứu vớt được cha mẹ hiện tiền, mà chín đời ông bà cha mẹ đều được siêu thoát. Như tích của Thiền sư Tông Diễn (Hòa Thượng Cua) – một vị cao Tăng Việt Nam đã cứu Phật pháp thoát khỏi ách nạn vào thời Hậu Lê.
Trong sử kể rằng: Khi mẹ sư mất, sư đến bên quan tài của mẹ giữa hai hàng Tăng chúng, cầm tích tượng, trầm tỉnh nói: “Như lời Phật dạy, một người tu hành ngộ đạo, cha mẹ được sanh thiên, nếu lời này không ngoa xin cho chiếc quan tài này bay lên hư không”. Nói xong sư liền gõ tích tượng ba cái, chiếc quan tài từ từ bay lên hư không và nứt ra nhiều mảnh. Điều đó đã chứng minh cho sự báo hiếu cao thượng của người xuất gia.
Cho nên sự báo đáp của người xuất gia, ở thế gian không có sự báo đáp nào sánh bằng. Lời nhắn nhủ của mẹ Ngài Lương Giới Động Sơn năm nào, cũng là lời nhắc nhở của bậc làm cha làm mẹ đối với chúng ta hôm nay. “Mẹ không mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên tu hành chứng quả, độ mẹ thoát khỏi trầm luân, tiến lên Phật quả, nếu mẹ không như vậy e phải có tội.”
Người cha, người mẹ hiểu được đạo lý thì họ không bao giờ trách móc khi con mình bỏ cha, bỏ mẹ đi tu. Ngược lại, luôn hạnh phúc khi thấy con mình tu hành đàng hoàng, chơn chánh. Vì thế, chúng ta phải nỗ lực tấn tu đạo nghiệp, đi trọn đường đạo, thành tựu đạo quả, để giải thoát cho mình và cứu khổ cho cha mẹ hiện tiền cũng như quá vãng. Được vậy mới mong đền đáp công ơn trời bể của người.
Như thế, người xuất gia đâu phải là bất hiếu như quan niệm của Nho giáo, hay cái nhìn thiển cận của một số người không thấu hiểu đạo hiếu trong nhà Phật. Theo Đức Phật, hiếu chính là một trong những đức tính cao cả của một vị Phật. Thế nên, dù là xuất gia hay tại gia chúng ta đều phải sống hiếu đạo.