USD đang tăng bao giờ kết thúc?

Kinh Doanh

Không ai có thể dự đoán chắc chắn chuyển động của các loại tiền tệ trên thế giới, nhưng GS. Kenneth Rogoff tin rằng đồng EUR và đồng yên sẽ giảm thêm 15% so với USD.

Đồng USD đang lên

Cho đến thời điểm tháng 9-2022, đồng USD đã “chè chén say sưa”. Trong khi đó, đồng yên Nhật và EUR đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD trong 2 thập niên. Đặc biệt đồng EUR vốn thường có giá cao hơn USD nhưng hiện đang ở mức thấp hơn.

Chỉ số USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gần như khôi phục lại mức đỉnh mà nó đạt được vào tháng 3-2020, thời điểm cơn hoảng loạn được kích hoạt bởi sự bắt đầu của đại dịch Covid-19. Trên thực tế, nếu điều chỉnh theo lạm phát ở Mỹ và các đối tác thương mại của nó, chỉ số này đã cao hơn mức 3-2020.

Những điều trên đang diễn ra bất chấp việc Mỹ ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm và cán cân thương mại tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều gì đang xảy ra và liệu đồng USD có giảm trở lại?

Mặc dù thừa nhận tỷ giá hối đoái là vấn đề cực kỳ khó giải thích, nhưng 4 yếu tố chính dường như đang ảnh hưởng đến chuyển động của các loại tiền tệ chính trên thế giới. Thứ nhất, Fed đã bắt đầu tăng lãi suất và nền kinh tế Mỹ dường như không có suy thoái thực sự, như vậy vẫn còn chỗ để NHTW Mỹ thắt chặt chính sách hơn nữa.

Thứ hai, ở châu Âu lạm phát cao không kém Mỹ, nhưng NHTW châu Âu (ECB) thận trọng hơn. Điều này một phần do triển vọng kinh tế đối với khu vực đồng EUR mong manh hơn so với Mỹ.

Thứ ba, ECB lo lắng về mức nợ cao của Italia, dù vẫn tin rằng tỷ lệ lạm phát giá năng lượng hiện tại sẽ không tiếp tục. Ngày 8-9, ECB đã buộc phải tăng mạnh lãi suất 0,75 điểm phần trăm để chống lại áp lực từ USD. Thứ tư, giống như Trung Quốc, Nhật Bản cho đến nay không có lạm phát đáng kể. Tuy nhiên, NHTW Nhật Bản (BOJ) khó có thể sớm thắt chặt chính sách.

Lợi thế cho USD từ rủi ro địa chính trị

Địa chính trị cũng là một yếu tố tạo sức mạnh cho đồng USD. Bởi cuộc chiến ở Ukraine mang lại nhiều nguy cơ tức thì cho châu Âu so với Mỹ, còn xung đột eo biển Đài Loan ảnh hưởng đầu tiên đối với tất cả mọi người, nhưng trên hết là đối với nước láng giềng Nhật Bản. Suy thoái hay không chưa biết, nhưng trước mắt cả châu Âu và Nhật Bản cũng sẽ phải chi thêm nhiều tiền để cơ cấu lại khả năng quốc phòng của mình, cùng với sự gia tăng trong chi tiêu quân sự dài hạn.

Tiếp đó, tình trạng suy giảm kinh tế đang diễn ra ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến châu Âu và Nhật Bản nhiều hơn với Mỹ. Cuối cùng, với giá năng lượng vẫn còn rất cao, Mỹ vẫn có thể tự cung tự cấp năng lượng trong khi châu Âu và Nhật Bản là những nhà nhập khẩu khổng lồ, cũng có lợi cho đồng USD.
Một số chuyên gia dự báo rằng đồng USD là nơi trú ẩn an toàn hơn so với đồng tiền của châu Âu và Nhật Bản. Điều đó có thể đúng, bởi nước Mỹ đang sa lầy vào một cuộc nội chiến lạnh không thể có hồi kết giữa phe Dân chủ và Cộng hòa, mà cựu Tổng thống Donald Trump là chủ chốt. Hơn nữa, khả năng hội nhập của Eurozone sẽ bị thử thách nghiêm trọng nếu lãi suất thực toàn cầu bắt đầu tăng. Minh chứng là lạm phát ở Đức đang trên đà đạt mức cao nhất trong 70 năm, cùng với việc ECB tăng lãi suất mạnh tay hơn có thể khiến khoản nợ của chính phủ Ý bùng nổ.

Tác động mạnh các nền kinh tế mới nổi

Sức mạnh hiện tại của đồng USD có ý nghĩa sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu. Cũng dễ hiểu, vì một phần lớn thương mại thế giới được tính bằng USD, đối với nhiều quốc gia điều này áp dụng cho cả xuất khẩu và nhập khẩu. Do đó, sự gia tăng của đồng USD khiến phần lớn thế giới cắt giảm nhập khẩu, đến nỗi các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tác động tiêu cực đáng kể về mặt thống kê đối với thương mại toàn cầu.

Như vậy đồng USD mạnh có nguy cơ gây ra tác động đặc biệt đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, bởi các công ty tư nhân và ngân hàng ở các quốc gia này vay vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ bằng USD. Và lãi suất cao của Mỹ có xu hướng đẩy lãi suất của những người đi vay yếu hơn một cách không tương xứng. Trên thực tế, chỉ số đồng USD sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu nhiều NHTW ở thị trường mới nổi không chủ động tăng lãi suất để giảm áp lực lên tiền tệ quốc gia. Nhưng sự thắt chặt như vậy tất nhiên sẽ đè nặng lên nền kinh tế trong nước của họ.

Thực tế các thị trường mới nổi cho đến nay phần lớn vẫn chịu được lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh hơn. Đây là một điều gây ngạc nhiên, nhưng liệu họ sẽ tiếp tục chịu đựng trong bao lâu nếu Fed theo đuổi con đường thắt chặt? Đặc biệt nếu Mỹ cùng châu Âu rơi vào suy thoái cũng như suy giảm ở Trung Quốc, thì điều tồi tệ sẽ đến.

Liệu sự tăng giá gần đây của đồng USD so với các đồng tiền chính khác sẽ đến hồi kết thúc và đảo chiều? Bởi lẽ một số đợt tăng giá trị đồng USD vào giữa những năm 1980 và đầu những năm 2000, cuối cùng đã bị sụt giảm mạnh. Nhưng trước mắt có thể thấy đồng EUR và đồng yên giảm thêm 15% so với đồng tiền của Mỹ là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt nếu những xích mích địa chính trị diễn ra theo chiều hướng tồi tệ hơn. 

 Thực ra trong ngắn hạn, đồng USD tăng mạnh sẽ ít ảnh hưởng đến Mỹ hơn so với các đối tác thương mại của họ, do thương mại của Mỹ gần như hoàn toàn độc lập bằng USD.
KENNETH ROGOFF, Cựu Kinh tế trưởng IMF, GS. ĐH Harvard (Mỹ)

Theo Văn Cường / Sài Gòn Đầu tư

Leave a Reply