[Sách] Trưởng Thành Sau Ngàn Lần Tranh Đấu

395

Tên Sách: Trưởng Thành Sau Ngàn Lần Tranh Đấu

Tác giả: Kim Ran Do

Thể loại: » Sách Kỹ Năng »

Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Hà Nội

Công ty phát hành: Nhã Nam

Giá Sách: XEM GIÁ

Giới thiệu Sách

Trưởng Thành Sau Ngàn Lần Tranh Đấu

Không chao đảo thì không phải là người lớn, phải ngàn lần tranh đấu mới có thể trưởng thành. Có đau đớn mới là tuổi trẻ? Nếu vậy thì có chao đảo mới trở thành người lớn. Đúng vậy, có chao đảo một chút cũng không sao, sự dao động của bạn và của tôi là hành trình hết sức tự nhiên mang tên “trưởng thành”.

“Cuốn sách này được viết cho bạn – người đang chao đảo bên ngưỡng cửa trưởng thành. Tôi trưởng thành sớm hơn bạn một chút, đôi khi vẫn còn hành xử chưa ra dáng người lớn lắm, tôi viết cuốn sách này để ‘lắng nghe’ câu chuyện của bạn. Hẳn bạn sẽ lấy làm lạ, sách là phương tiện để ‘nói’, vậy mà tôi lại muốn thông qua sách để ‘lắng nghe’? Đúng vậy, tôi không muốn đơn phương lên lớp về những bí quyết trưởng thành. Tôi chỉ muốn làm một thính giả chân tình và cởi mở, giúp bạn đích thân cất lời, nói ra những vấn đề của bản thân. Đọc chỉ giúp bạn rút ra kết luận mà thôi, nhưng một khi nói ra, bạn sẽ tìm ra cách chữa trị cho chính mình. Vậy nên, cùng với cuốn sách này, bạn hãy bắt đầu câu chuyện đè nén, chất chứa trong lòng bấy lâu nay…”

Đánh giá/ Review

Thật lạ, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để kể về quyển sách này. Tôi đã không có ý định đọc, có lẽ là tất cả các quyển “cẩm nang trưởng thành” được viết dưới dạng tản văn.

Trưởng thành, bạn biết rồi đó, là vòng quay bất tận của công việc, hôn nhân và gia đình, những thứ ít nhiều bóp nghẹt đời sống cá nhân. Cái thời kì mất mát nhiều hơn có được. Và thất vọng; đương nhiên, hẳn rồi… Nhưng ở cái tuổi lưng chừng thanh xuân, tôi không cưỡng lại được ý muốn thử nghiệm, tôi muốn biết liệu khái niệm trưởng thành có đúng như những gì tôi hằng nghĩ, hay nó còn ẩn chứa điều gì đó khác?

Rando Kim viết thế này trong khúc dạo đầu: “Có thể thời thanh xuân mang tới tuổi trẻ một cách thật tự nhiên, nhưng trưởng thành thì lại khác. Không phải cứ thêm tuổi, cứ tốt nghiệp ra trường thì nghiễm nhiên thành người lớn. Phải lặp lại bao phép thử-sai, chập chững học từng chút một về cuộc đời, học đến đâu, dần dần trưởng thành từng chút một đến đó.

Chúng ta trở thành người lớn một cách khó khăn như thế đó.”

À, và đôi khi chỉ cần một câu văn chân thật cũng đủ giữ chân ta ở lại với quyển sách mình đang đọc.

Trước tiên tôi phải cảnh báo bạn rằng, nếu bạn tìm những điều rất đỗi sâu sắc hay giàu nghệ thuật thì quyển sách này không có đâu. Rando Kim cũng tự thừa nhận là tự bản thân không thể ép mình viết sâu, ông thích tâm sự nhiều hơn. Ông viết thật. Ông đặt ra mục đích ban đầu khi viết: không viết một quyển sách để được đọc, mà là một quyển sách để lắng nghe. Ông không áp đặt một triết lý nào lên người đọc, chỉ điềm tĩnh kể chuyện trưởng thành của ông, và ông sẽ hỏi bạn cảm thấy thế nào? Bạn đã trưởng thành chưa? Bạn có như ông, có chao đảo vì phải làm người lớn? Có đột nhiên đau buồn và giận dữ vì bị ném vào thế giới trưởng thành mà không hề được chuẩn bị?

Nhưng rồi bạn sẽ hiểu ra, dần dần qua từng mẩu chuyện nhỏ, những điều vụn vặt chắp nối tháng ngày mà thành cuộc đời của một “người lớn”, rằng sẽ không bao giờ có cái thời điểm mà bạn sẵn sàng để bắt đầu “trưởng thành”.

Khi ông nói về những điều vụn vặt, thì đó là những lần xin việc thất bại, làm việc không cảm thấy vui, chán đời, hay lần đầu thuê nhà trên một thành phố lớn… Làm thế nào để tranh đấu với vận mệnh bất hạnh và học cách yêu lấy nó? Ông nói về cách xài tiền, cách buông bỏ, cách “xếp giày” cho ngay ngắn, đồng thời chống chọi với nỗi cô độc… Quan tâm đến người trong gia đình cũng phải học, kết bạn cũng phải học, yêu đương và tình dục cũng vậy – những thứ ngôn ngữ người lớn vừa khó vừa buồn.

Xuyên suốt cuốn sách, tôi có cảm giác như ông đang bắt tôi và bạn – những người chập chững bước vào đời – đọc lời thề Hippocrates của riêng ông: “Trước tạo hóa, tôi xin thề tôi phải học cách yêu lấy mình. Tôi sẽ bao dung và tha thứ cho bản thân mình. Tôi phải nhận ra có những việc tôi không thể thay đổi được, và tôi phải yêu lấy nó.” Cứ thế, kiên cường lên mà sống.

Rando Kim nghĩ bạn cũng như cây mao trúc, suốt năm năm không lớn thêm một tấc nào. Trong thời gian đó, búp măng kia căm rễ thật sâu và chờ đợi, để rồi đúng thời điểm, mỗi ngày nó vươn lên vùn vụt, vọt lên hàng chục mét và trở thành cây tre cao nhất.

Ông nghĩ bạn như nước nóng đang cận kệ điểm sôi, ùng ục trong nồi, chuẩn bị cuồn cuộn biến thân thành hơi nước bay lên cao nhìn ngắm cuộc đời.

Tất cả những quá trình đó cần kiên nhẫn. Tất cả những đổi thay đó, đều đau đớn và dày vò. Người lớn, ừ thì luôn chao đảo. Trưởng thành luôn đi liền với trả giá. Nhưng bạn ơi, chỉ có bạn mới có thể trả lời: Tiến trình đó, rốt cuộc có đáng giá hay không?” – Fata Nguyễn