Đánh giá nguyên nhân và sự cố ảnh hưởng đến chất lượng của kết cấu trong quá trình thi công hầm, hố đào [Phần 3]

38

3. Đánh giá ảnh hưởng và thiệt hại xảy ra khi gặp sự cố

Khi sự cố xảy ra đều gây nên những thiệt hại về tiến độ, chi phi để xử lý mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của kết cấu công trình thi công và các công trình lân cận.

Việc chất lượng cọc khoan nhồi, tường vây barrette kém, bị chuyển vị, dẫn đến các kết cấu khác như sàn hầm khác cũng bị ảnh hưởng theo không còn khả năng liên kết chịu lực như thiết kế. Bắt buộc đơn vị TVTK phải tính toán lại đồng thời phải bổ sung các kết cấu khác (móng, cột, tường vách…) để tăng cường ổn định và chống thấm.

Tường vây bị chuyển vị nhiều vào phía trong công trình, dẫn đến kích thước thông thủy của hầm và 1 số phòng chức năng liên quan, bản vẽ kiến trúc cũng bị ảnh hưởng theo.

Khi sự cố xảy ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án, các chi phí để khắc phục sự cố và chi phí đền bù.

Ảnh hưởng trực tiếp đến con người và tài sản khi sự cố không được kiểm soát. Đặc biệt là sự cố xảy ra ở khu vực tiếp giáp nhà dân, công trình lân cận thì có thể gây sụp đổ.

Ảnh hưởng đến tính pháp lý và dự án có thể bị đình chỉ dừng thi công bởi các cơ quan chức năng nhà nước…

4. Các biện pháp xử lý và khắc phục trong quá trình thi công hầm

Như đã trình bày ở các phần trên bài viết cũng đã đưa ra 1 số giải pháp để hạn chế, xử lý và khắc phục các sự cố. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ có rất nhiều giải pháp và nó còn phụ thuộc vào tính chất từng sự cố xảy ra và phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp của đơn vị thi công nhằm giải quyết các vấn đề liên quan. Do đó, ở đây sẽ trình bày khái quát 1 số biện pháp khắc phục liên quan đến quá trình đào đất, chuyển vị trường vây và công tác thi công hầm như:

4.1. Biện pháp xử lý tạm thời

Khi phát hiện ra dấu hiệu của sự cố thì ngay lập yêu cầu đơn vị thi công dừng mọi hoạt động liên quan đến khu vực xảy ra chuyển vị lớn, sạt lún;

Căng dây cảnh báo, biển cảnh báo an toàn quanh khu vực liên quan;

Thực hiện ngay các biện pháp gia cố chân tường vây, lấp đất, giảm tải… đồng thời xử lý các vị trí thấm, hư hỏng;

Tăng tần suất theo dõi, quan trắc chuyển vị lên 3 chu kỳ/ngày; Bố trí các cán bộ an toàn, cán bộ kỹ thuật thường xuyên giám sát, đánh giá, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời các sự cố cóthể xảy ra.

  • Xem thêm: – Đánh giá nguyên nhân và sự cố ảnh hưởng đến chất lượng của kết cấu trong quá trình thi công hầm, hố đào [Phần 1]
  • 4.2. Biện pháp xử lý triệt để, lâu dài

    Sau khi có các số liệu báo cáo cần tính toán, đưa ra các biện pháp xử lý khắc phục nhằm đảm bảo an toàn,ổn định của kết cấu trước khi tiếp tục thi công;

    Tiến hành khảo sát các khu vực lân cận, đặt biệt là các nhà dân, công trình xunh quanh;

    Đơn vị giám sát cần theo dõi sát sao, tăng cường giám sát, đưa ra những cảnh báo và yêu cầu dừng toàn bộ công trình để ưu tiên khắc phục nếu các chuyển vị tiếp tục diễn biến xấu và phực tạp hơn;

    Phối hợp với đơn vị thiết kế nhằm cập nhật tính toán lại toàn bộ các kết cấu liên quan, cảnh báo những kết cấu bị ảnh hưởng có thể điều chỉnh và bổ sung thiết kế;

    Việc tường vây bị chuyển vị lớn, gây ảnh hưởng đến hệ neo giữ tường vây hoặc hệ văng chống. Do vậy để đảm bảo ổn định tường vây, an toàn cho công trình bắt buộc phải tính toán và bổ sung hệ neo giữ, hệ văng chống tại những vị trí xảy ra chuyển vị, tường vây chịu áp lực ngang nhiều nhất.

    5. Kết luận

    Giai đoạn thi công tầng hầm, hố đào trong các công trình là giai đoạn khó khăn nhất, đồng thời mang nhiều thách thức đối với các đơn vị thi công, đơn vị khảo sát và thiết kế. Mỗi công trình đều có thể gặp những sự cố khác nhau, tuy nhiên khi chúng ta đánh giá tìm hiểu được bản chất của sự cố, nguyên nhân xảy ra sự cố thì sẽ hạn chế được những rủi ro, thiệt hại và đảm bảo được chất lượng công trình, chi phí xây dựng và tiến độ dự án.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Công ty CP Khoa học công nghệ Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo kết quả quan trắc địa kỹ thuật.
    2. Nguyễn Văn Nội, “Ứng dụng công nghệ thi công top-down tại hạng mục phòng bơm, bể lắng xoáy – dự án thép Hòa Phát, Dung Quất”, Tạp chí KHCN Xây dựng số 4/2019, tr 49-57, http://ibst.vn/tin-tuc/tin-hoat-dong/tap-chi-khcn-xay-dung-so-4-2019828289.html
    3.  Nguyễn Văn Nội, “Các Giải Pháp Kết Cấu Trong Thi Công Tầng Hầm Và Hố Đào”, https://conduongphiatruoc.com/nvn/cac-giai-phap-ket-cau-trong-thi-cong-tang-ham-va-ho-dao-phan-ket/.
    4. TCVN 9395 : 2012, “Cọc khoan nhồi – thi công và nghiệm thu”.
    5. Võ Hồng Sơn, Bùi Anh Tuyến, Các sự cố thường gặp trong thi công cọc khoan nhồi, tường vây, cọc Barrette.

    Noi Nguyen