3. Công nghệ thi công cốp pha trượt trong thi công thân tháp nước

Cốp pha trượt là 1 hệ ván khuôn hoàn chỉnh bao gồm các cấu kiện chính như thiết bị nâng kích thủy lực, đà trượt, cốp pha, sàn thao tác… được cơ giới hóa, có tính linh động cao và di chuyển trượt liên tục dọc thân vách kết cấu trong suốt quá trình thi công, đổ bê tông.

Công nghệ thi công cốp pha trượt ngày càng được áp dụng phổ biến trong thi công BTCT vách lõi thang máy trong các công trình nhà cao tầng, vách tường bao, thân ống khói, thân tháp nước… nhờ những ưu điểm nổi bật của nó so với các công nghệ thi công cổ điển khác.

Ưu điểm:

  • – Hệ cốp pha trượt có thể được bố trí được trong các cấu kiện hình dạng phức tạp, nhờ khả năng linh động của nó.
  • Thời gian thi công nhanh do quá trình đổ bê tông được liên tục.

Nhược điểm:

  • – Thiết bị thi công phức tạp đòi hỏi nhân lực phải có kinh nghiệm tay nghề cao. Công tác tổ chức, quản lý thi công phải chặt chẽ đảm bảo an toàn thi công.
  • Chi phí, giá thành cao so với việc thi công bằng cốp pha thông thường.

Các thiết bị cấu thành nên hệ cốp pha trượt trong thi công thân tháp nước (Hình 3):

Hình 3: Các thành phần cấu thành nên hệ cốp pha trượt

1 – Kích thủy lực 7 – Giáo treo thép bản 12 – Hệ thanh căng
2 – Ty kích D48 8 – Thanh consol 13 – Lưới an toàn
3 – Giá đỡ kích U 9 – Hệ vành gông L63 14 – Hệ thống chiếu sáng
4 – Cốp pha trượt 1500, 1200×300 10 – Ván sàn thao tác 15 – Hệ giáo treo
5 – Gông cốp pha V90x90 11 – Chống chéo consol 16 – Ván giáo treo
6 – Đà trượt I150    
Quy trình thi công cốp pha trượt:

a, Công tác chuẩn bị

  • Xác định lưới tọa độ, tim trục và cote cao độ của hạng mục, định vị vị trí kết cấu vách thân.
  • Bố trí hệ thống cung cấp điện, cáp điện, tời điện
  • Bố trí hệ thống chiếu sáng 24/24h và đèn tín hiệu, hệ thống chống sét và thông tin liên lạc.
  • Kiểm tra thép chờ từ phần móng, độ phẳng của lớp bê tông mặt đế tường thân Tháp nước trên bề mặt móng. Sau đó, tạo độ phẳng theo chu vi phần chân côppha trượt bằng vữa xi măng mác cao hoặc bằng các giá đỡ chân côppha thép.
  • Chuẩn bị, lắp đặt hoàn chỉnh và kiểm định, thử tải đưa vào sử dụng các thiết bị phục vụ thi công.

b, Công tác lắp đặt thiết bị mâm sàn thao tác, thiết bị trượt

Sơ đồ 2: Trình tự lắp dựng cốp pha trượt

Yêu cầu kỹ thuật khi lắp dựng cốp pha trượt, mâm sàn thao tác:

  • Việc lựa chọn số lượng kích thủy lực, sức chịu tải của kích và hệ kết cấu mâm sàn thao tác phải được tính toán trước khi thi công.
  • Cốp pha trượt phải được lắp đặt đúng vị trí theo chu vi của vách thân Tháp nước, đảm bảo bề dày tường vách theo thiết kế.
  • Kiểm tra hệ thống áp lực, tình trạng làm việc của kích.
  • Lắp đặt thi công mâm sàn phải đảm bảo tuân thủ theo tiêu chuẩn TCXD 254-2001.

Sau khi lắp đặt hệ trượt mâm sàn, sẽ tiến hành lắp dựng hệ thống vận chuyển vật liệu lên cao chuyên dụng, vận thăng lồng.

Hình 4: Lắp dựng cốp pha trượt

c, Công tác thi công trượt tường thân tháp nước

Thi công trượt tường thân tháp nước phải tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn TCXD 254-2001, TCVN 1651- 1985, TCVN 4453-1995, hồ sơ thiết kế được phê duyệt và bao gồm các công tác sau:

  • Công tác lắp dựng cốt thép:

Lắp đặt cốt thép tiến hành đồng thời với việc đổ bê tông.

Cốt thép được lắp đặt liên tục trong suốt quá trình đổ bê tông, yêu cầu phải luôn có ít nhất 1 lớp cốt thép đã lắp dựng hoàn chỉnh nằm phía trên bề mặt cốp pha.

  • Công tác lắp đặt các chi tiết chôn sẵn, các lỗ chờ:

Cần định vị trí của các cấu kiện (bulông, bản mã…) chôn ngầm trong bê tông, các vị trí hộc chờ.

Công tác lắp đặt cấu kiện cần hoàn thành trước khi mép dưới của cấu kiện cách miệng cốp pha 5-10cm.

  • Công tác đổ bê tông:

Quá trình đổ bê tông bằng cốp pha trượt cần tiến hành theo 2 giai đoạn nối tiếp nhau.

Giai đoạn 1 (khi chưa nâng cốp pha): Đổ bê tông giai đoạn 1 cần thực hiện theo từng lớp, mỗi lớp từ 20 đến 30 cm cho đến khi đạt cao độ từ 70 đến 80 cm kể từ chân cốp pha. Thời gian thực hiện giai đoạn này nên khống chế trong khoảng 4 giờ đến 4 giờ 30 phút.

Giai đoạn 2 (kể từ khi bắt đầu nâng cốp pha cho đến khi trượt và đổ bê tông tới cao trình thiết kế): Bê tông cần đổ đều và kín vòng theo từng lớp, mỗi lớp từ 20 đến 30 cm. Mặt trên của mỗi lớp bê tông nên khống chế để luôn ở trên cùng một cao độ.

  • Công tác nâng trượt, vận hành kích nâng:

Sau khi thực hiện bước nâng đầu tiên cần tiến hành chọn chế độ trượt và tốc độ trượt hợp lí. Tốc độ trượt có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình và phụ thuộc vào các yếu tố: Sự phát triển cường độ ban đầu của bê tông, nhiệt độ môi trường, chiều cao của cốp pha trượt.

Để theo dõi các kích có lên đều hay không thì các ty kích phải dung sơn vạch các cote chuẩn. Cứ 0,25m chiều cao lại vạch cote 1 lần. Việc điều chỉnh cho các kích lên đều nhau cần dùng đến hệ thống đòn bẩy của kích thủy lực kết hợp với máy bơm dầu thủy lực.

Chiều dày đổ bê tông, các sai số cho phép phải được giới hạn trong tiêu chuẩn TCXD 254:2001.

  • Công tác kiểm tra, thu côn, điều chỉnh bề dày tường theo thiết kế:

Bố trí các điểm quan trắc trên mâm sàn, quan trắc độ thăng bằng của mâm sàn bằng máy thủy bình.

Biện pháp kiểm tra độ thằng đứng của tườn, bằng việc dựa vào tim ống khói sau đó kiểm tra bán kích của thân tháp nước. Căn cứ vào các điểm quan trắc đã được đặt sẵn trên mâm sàn, trong khoảng cứ 0,5m trượt sẽ tiến hành kiểm tra, xác định và điều chỉnh bề dày tường, độ sai lệch bằng việc thu côn.

d, Công tác tháo dỡ thiết bị trượt:

Sau khi trượt tường tháp nước đến cao độ thiết kế và bê tông đạt cường độ yêu cầu thì tiến hành tháo dỡ hệ thiết bị trượt theo trình tự sau:

Sơ đồ 3: Trình tự tháo dỡ thiết bị trượt

Xem tiếp phần 3: – Lựa chọn các phương án thi công bầu đài tháp nước

Noi Nguyen